Bài đăng nổi bật


Nhờ có việc lang thang trên mạng, tôi đã vô tình bị lạc vào thế giới của Flipping Teaching. Tôi đã có đôi lần viết về nó, và giờ tôi đã và đang áp dụng nó ở khắp các lớp học của mình. Bước đầu tôi thu được kết quả khá khả quan, tuy nhiên nó chưa hoàn hảo, nó còn có bug, nó cũng còn rất nhiều điều cần phải làm tốt hơn nữa, quy củ hơn nữa. Vì thế, tôi quyết định sẽ nghiên cứu về nó một cách đầy đủ hơn để áp dụng nó một cách bài bản hơn nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong việc dạy và học của giáo viên & sinh viên.
Từ hôm nay, tôi sẽ viết loạt bài về Flip Teaching đề cập từ mức concept tới mức implement, có kèm theo những bài viết mang tính trải nghiệm, nhật ký, ghi nhận và đánh giá từ thực tiễn triển khai.
Và hôm nay là bài đầu tiên: “Đảo ngược lớp học của bạn với Moodle” – một bài viết sẽ đi từ khái niệm về Flipped Classroom cho tới việc triển khai nó với Moodle.

Flipped Classroom

Vậy Flipped Classroom là gì? Flipeed Classroom là “Lớp học đảo ngược” – nó là một mô hình đảo ngược của lớp học truyền thống. Trong lớp học truyền thống thì việc học bài mới sẽ được diễn ra trên lớp, còn việc làm bài tập sẽ diễn ra ở ngoài lớp học. Nhược điểm của mô hình học truyền thống đó là: không cá nhân hóa được việc học – cả lớp sẽ phải học cùng một nhịp;  sinh viên có quá ít thời gian để làm bài tập và trao đổi về những khó khăn gặp phải với giáo viên.


Với Flipped Classroom thì việc học bài mới sẽ diễn ra ở nhà thông qua video, thời gian trên lớp sẽ dành để làm bài tập và trao đổi. Nhờ đó, giờ học sẽ được cá nhân hóa hoàn toàn – ai hiểu tới đâu thì làm tới đó, ai chưa hiểu cái gì thì hỏi cái đó, ai chưa rõ thì có thể làm lại, ai hiểu rồi có thể làm tiếp, không ai phải đợi ai, không ai phải đuổi theo ai, mỗi người học theo đúng nhịp điệu suy nghĩ của mình. Nếu muốn bạn có thể đọc thêm bài viết ghi lại trải nghiệm với của tôi về điều này “Hãy học theo cách của bạn”.

Moodle - Learning Management System (LMS)

Nếu triển khai theo mô hình Flip thì quá trình học LÝ THUYẾT sẽ diễn ra ở nhà? Vậy thì chúng ta cần có một hệ thống để quản lý, hỗ trợ việc học đó. Và Moodle chính là một con đường tuyệt vời để bắt đầu đưa ta đến với Flipped Classroom.
Moodle cung cấp một phiên bản trực tuyến và nó bao gồm gần như tất cả mọi thứ bạn thường làm trong một lớp học truyền thống bao gồm: thảo luận, làm bài kiểm tra, tải lên các tập tin(chia sẻ học liệu, nộp bài), và khả năng lưu trữ các tập tin, video cùng tài liệu học tập khác.
Tôi dùng Moodle để chia sẻ các tập tin cho sinh viên, tạo chỗ nộp bài cho sinh viên, tạo bài Quiz cho sinh viên. Thảo luận tôi dùng facebook. Ngoài ra, tôi còn cho sinh viên học tương tác online trên Codecademy.

Triển khai Flipped Classroom

Tôi đã triển khai lớp học của mình theo các bước sau:
0.       Chuẩn bị tâm lý cho sinh viên: nói cho sinh biết về phương thức giảng dạy của mình, đưa ra những việc sinh viên cần làm trước khi lên lớp, những việc sẽ làm trên lớp, những tác dụng mang lại cho việc học hiệu quả hơn, etc…
1.       Yêu cầu sinh viên chuẩn bị bài trước ở nhà. Share toàn bộ học liệu cho sinh viên, yêu cầu sinh viên đọc, tóm tắt và đưa ra câu hỏi trước khi tới lớp.
2.       Trên lớp: hỏi sinh viên về những điểm chính trong bài (cái này tùy lớp, tùy bài học, tùy mức độ khó của bài. Có bài tôi không hỏi gì cả, mà tự sinh viên đưa ra câu hỏi khi thấy cần). Đưa ra bài tập yêu cầu sinh viên phải làm. Tóm lược lại những điểm quan trọng trong bài.
Và rồi bước 1,2 cứ thế tuần tự lặp lại.

FLIPPED CLASSROOM infographic

Mời bạn chiêm ngưỡng INFORGRAPHIC về Flipped Classroom ;)



Flipped Classroom
Created by Knewton and Column Five Media

2 Nhận xét

  1. Chưa cần bàn về hiệu quả của phương thức triển khai này (mà về mặt lí luận là có khả năng lớn dẫn đến kết quả tốt hơn), khái niệm FlipTeaching hình như bị hiểu chưa đúng.
    Thử nhìn vào phần triển khai:
    "Nếu triển khai theo mô hình Flip thì quá trình học LÝ THUYẾT sẽ diễn ra ở nhà? Vậy thì chúng ta cần có một hệ thống để quản lý, hỗ trợ việc học đó. Và Moodle chính là một con đường tuyệt vời để bắt đầu đưa ta đến với Flipped Classroom.
    Moodle cung cấp một phiên bản trực tuyến và nó bao gồm gần như tất cả mọi thứ bạn thường làm trong một lớp học truyền thống bao gồm: thảo luận, làm bài kiểm tra, tải lên các tập tin(chia sẻ học liệu, nộp bài), và khả năng lưu trữ các tập tin, video cùng tài liệu học tập khác.
    Tôi dùng Moodle để chia sẻ các tập tin cho sinh viên, tạo chỗ nộp bài cho sinh viên, tạo bài Quiz cho sinh viên. Thảo luận tôi dùng facebook. Ngoài ra, tôi còn cho sinh viên học tương tác online trên Codecademy."

    Nếu phần Video kia không phải là học liệu chính, mang tính bài giảng đầy đủ, thì có thể khẳng định đây là một dạng triển khai Blended Learning truyền thống.
    Về việc học trước ở nhà, trong mô hình dạy học truyền thống vẫn có rồi: trong các giờ học theo dạng coursework ở các lớp cao học, hoặc các lớp học theo dạng seminar ở năm cuối các trường Tổng hợp, các nhóm được phân ra và tự chuẩn bị tất cả mọi thức, tự seminar với nhau; tutor/GS chỉ thực hiện khâu đưa ra chủ đề /tư vấn/điều chỉnh/đánh giá. Phần lớn công việc học tập là ở nhà. Không ai gọi đó là FlipTeaching cả.

    FlipTeaching không phải là quá mới (từ những năm 90) nhưng chỉ thực sự nổi bật với phong trào MOOCs gần đây, việc học ở nhà thông qua các cổng MOOCs với các bài giảng (do chính GS làm sẵn) dưới dạng hoặc là Video hoặc là phần mềm (CD/webapp/MobileApp). Lí do cho FlipTeaching đơn giản là: thời gian quý báu ở lớp nên dành cho làm bài tập và tương tác, thế thì việc nghe giảng nên để ở nhà. Nhưng việc NGHE GIẢNG ở nhà không mất đi, mà được thực hiện qua công nghệ/máy tính.
    Thiếu đi bài giảng (không phải sách/không phải lecturenotes, mà là bài giảng online), thì không cấu thành một nửa FlipTeaching.
    Trong tất cả các thứ cô giáo liệt kê qua Moodle ở đây gồm "thảo luận, làm bài kiểm tra, tải lên các tập tin(chia sẻ học liệu, nộp bài), và khả năng lưu trữ các tập tin, video cùng tài liệu học tập khác; facebook/ codcademy" là một cách thức "cho phép SV tiếp cận với nhiều nguồn học liệu khác nhau qua nhiều kênh" đồng thời nhấn mạnh tới các HOẠT ĐỘNG để sinh viên tự học, tự làm ra tri thức cho mình. Đó là biểu hiện của đường lối kiến tạo (constructivism) trong giảng dạy.

    Túm lại: nếu quên cái nhãn FlipTeaching đi thì đây là một cách triển khai học tập theo phương thức tổ chức hoạt động, áp dụng tư duy constructivism, nhất định sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho việc học tập. Còn nếu định gán nó với nhãn FlipTeaching thì cần phải xem lại có phần GIẢNG ở đâu đó gói trong Video hoặc CD/Phần mềm học tập. (Mà môn C hình như chưa có cái món này).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, món giảng trong Video thì môn SQL đã và đang làm ạ - đã quay phần bài giảng và gửi cho sinh viên. Nhưng mà như đã nói từ vài entry trước là vì điều kiện chưa cho phép nên mới áp dụng chưa được trọn vẹn ạ.
      http://dangkimthi.blogspot.com/2013/10/flipped-teaching-flippedlearning-vai-ba.html

      Cảm ơn Bác Tấn đã comment, và ơn trời là "em vẫn hiểu đúng về FlipTeaching", chỉ có điều là chưa làm đầy đủ được thôi. Đang từ từ làm bác ạ, em đang tập tễnh những bước đầu tiên...

      Một lần nữa cảm ơn bác :)

      Xóa

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn